1. Nhắm khối lượng từng món đồ để phân bổ vị trí hợp lý
Những vật nặng như bếp gas mini, thức ăn… nên dựng thẳng đứng sát lưng và 2 bên hông ba lô. Điều này giúp cân bằng trọng lượng cho người đeo. Tuy nhiên cần cẩn thận với những vật quá cứng hoặc sắt nhọn vì chúng sẽ đâm vào lưng bạn nếu ba lô không có lớp đệm lưng.
Vật nhẹ có thể xếp dẹp lại như áo mưa để trên cùng hoặc trong túi trên nắp ba lô nếu có để có thể lấy ra nhanh nhất. Còn lại những vật dụng không cần phải sử dụng trên đường cho đến địa điểm cắm trại như túi ngủ, bình gas mini… nên đặt dưới đáy, đồng thời làm tấm đệm bảo vệ những thứ còn lại trong túi nếu ba lô bị rơi.
2. Dùng vật mềm, nhỏ lấp đầy các khoảng trống giữa những dụng cụ cứng, giảm va chạm khi leo núi. Không ai thích thích tiếng “leng keng” phát ra khi leo núi cả, vì vậy nên dùng áo thun dự phòng hay thân lều… bọc quanh dụng cụ nấu ăn, đồ vật bằng inox, kim loại…
3. Những thứ thường xuyên sử dụng nên sắp xếp ở nơi dễ tìm. Kem chống nắng, thuốc men… nhét bên hông ba lô sẽ giúp bạn lấy ra dễ dàng khi cần thiết. Phân loại rõ ràng từng món, nhất là thuốc men, tránh nhầm lẫn lúc khẩn cấp.
4. Cẩn thận khi đóng gói bình hoặc chai lọ có nước. Hãy dành ra vài giây kiểm tra nắp chai đã được đậy kĩ để bảo đảm nước không bị rò rỉ chưa. Tốt nhất không nên đem theo chai có vòi xịt. Để những chai nước này tránh xa đồ ăn.
5. Dùng bao nilon hoặc hộp chống thấm bọc những vật không thể bị dính nước như điện thoại… Trong hành trình, bạn có khả năng sẽ lội suối, băng sông… dẫn đến balo chắc chắn sẽ bị ướt. Sử dụng bao da chống thấm hoặc hộp dành cho thiết bị điện tử sẽ an toàn hơn túi chống nước trong suốt bằng nhựa thường bày bán đại trà.
6. Bao hút chân không để đóng gói đồ vật chiếm diện tích như túi ngủ là tuyệt chiêu để tiết kiệm diện tích. Bạn sẽ tiết kiệm được một khoảng trống thật lớn trong balo nếu sử dụng món đồ này.
7. Luôn để ý sự thay đổi nhiệt độ liên tục vì càng leo cao thì càng giảm. Nếu trekking ở các đỉnh tuyết nhiều, thậm chí đóng băng thì nên để nước uống và pin sạc dự phòng, điện thoại di động… gần cơ thể vì pin có thể tụt rất nhanh ngoài trời lạnh.
8. Buộc gọn những vật dụng bạn cột bên ngoài. Những thứ móc bên hông như dây găng tay, khăn quấn đầu, gậy trekking… có thể bị vướng vào cây hoặc bụi rậm làm rách và rơi các vật dụng trong ba lô.
9. Hong khô mọi thứ trước khi di chuyển tiếp nếu bạn bị ướt. Quần áo, vải lều… sẽ bốc mùi rất khó chịu khi dính nước. Những thứ làm từ vật liệu thấm mồ hôi như mũ leo núi, găng tay… nên treo bên ngoài những lúc không cần sử dụng đến.
10. Sắp xếp lại đồ trước khi đi ít nhất hai lần để kiểm tra có thiếu gì không. Đây là một việc cần thiết để ghi nhớ vị trí các vật dụng trong ba lô.